• News Tech Today
  • Sunday, June 5, 2011

    Sang đến ngày thứ 2 (4/6), các cuộc đối thoại tại Hội nghị cấp cao an ninh châu Á lần thứ 10

    Sang đến ngày thứ 2 (4/6), các cuộc đối thoại tại Hội nghị cấp cao an ninh châu Á lần thứ 10 (còn gọi là Đối thoại Shangri-La 10) đã làm dịu bớt căng thẳng về tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia trong khu vực. Riêng về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đặc biệt lưu ý các đại biểu tham dự đối thoại, các bên tham gia không được để tranh chấp leo thang và cần kiên trì tìm kiếm giải pháp hòa bình qua khuôn khổ ngoại giao. Bên lề hội nghị, các cuộc tiếp xúc song phương cũng được cho là cơ hội nhằm tăng sức mạnh của đối thoại hòa bình.

    Tiếng nói của Việt Nam

    Tham dự hội nghị lần này, đoàn đại biểu Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu, đã thu hút được sự chú ý, quan tâm của đại biểu các nước và dư luận quốc tế khi có bài phát biểu với chủ đề "Phản hồi trước các đe dọa an ninh hàng hải mới". Theo nhiều nhà phân tích, bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh đã thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam trong một loạt vấn đề an ninh, trong khi vấn đề biển Đông đang thực sự "nóng" trên diễn đàn.

    Trước khi có bài phát biểu quan trọng này, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng có cuộc tiếp xúc song phương với Thượng tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Đánh giá quan hệ Việt - Trung đang phát triển tốt đẹp, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quan hệ tốt đẹp giữa hai nước còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và đôi khi vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

    Quang cảnh cuộc tiếp xúc giữa Bộ trưởng Quốc phòng nước ta Phùng Quang Thanh (bên trái) với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Ảnh: TTXVN.

    Nêu sự việc tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 ngày 26/5 bị tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp khi tàu Bình Minh 02 đang hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định: "Vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại. Tại Hội nghị này, một số quan chức và báo giới cũng hỏi tôi về sự việc này".

    Đại tướng Phùng Quang Thanh nói: "Bài phát biểu của tôi sẽ đề cập đến sự việc tàu Bình Minh 02 một cách khách quan để khu vực và thế giới hiểu đúng. Dù tôi không đề cập thì thế giới cũng biết rõ vì trên tàu Bình Minh 02 có thuyền trưởng là người Nga và có thủy thủ đoàn mang nhiều quốc tịch khác nhau" và đề nghị các cơ quan cấp dưới của hai bên chấp hành nghiêm chỉnh những cam kết của lãnh đạo hai nước.

    Đưa ra quan điểm của Chính phủ Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: "Hai bên cần bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), một văn kiện đã được ký giữa ASEAN và Trung Quốc".

    Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, vấn đề tranh chấp ở biển Đông có thể phải giải quyết lâu dài. Do vậy, ngành Ngoại giao hai nước cần đàm phán hòa bình và lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đối thoại, đưa ra những quyết sách mà hai bên có thể chấp nhận được. Việt Nam cũng sẵn sàng cùng Trung Quốc hợp tác phát triển ở khu vực hai nước có tranh chấp thật sự chiếu theo UNCLOS 1982.

    Nhất trí với những đánh giá của Đại tướng Phùng Quang Thanh về mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Trung Quốc, Thượng tướng Lương Quang Liệt cho biết, quan điểm của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở biển Đông là giải quyết thông qua đàm phán ngoại giao.

    Thượng tướng Lương Quang Liệt nói: "Trung Quốc sẵn sàng thảo luận vấn đề này ở các diễn đàn đa phương và phản đối các hành động đơn phương. Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông và thực thi đầy đủ DOC".

    Về những đề xuất của Việt Nam, Thượng tướng Lương Quang Liệt cũng nhất trí rằng hai nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các văn kiện khác. "Quân đội hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi không mong muốn sự việc tương tự xảy ra trong tương lai", Thượng tướng Lương Quang Liệt khẳng định.

    Đề xuất của Mỹ

    Tin từ tờ Bưu điện Washington cho hay, trong bài phát biểu sáng 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã một lần nữa khẳng định việc Lầu Năm Góc đang thực hiện kế hoạch dần dần mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể, trong những năm tới, Mỹ sẽ tích cực tham gia các hoạt động tập trận chung trên biển và trong đất liền với các nước trong khu vực này.

    Hiện Mỹ cũng đang xúc tiến việc thiết lập một căn cứ hải quân chung với Australia ở châu Á với nhiệm vụ giúp đỡ các quốc gia đối phó nhanh hơn trong trường hợp xảy ra thiên tai và hỗ trợ đào tạo lực lượng quân đội Singapore. Mối quan hệ quân sự của Mỹ với các đồng minh truyền thống là Nhật và Hàn Quốc sẽ được hiện đại hóa.

    Mỹ đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác bên lề Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 10 tại Singapore.

    Đặc biệt, Mỹ sẽ triển khai tới Singapore một loại chiến hạm mới chuyên hoạt động ở khu vực gần bờ. Loại tàu cơ động này có trọng tải nhỏ hơn so với chiến hạm thông thường chuyên chiến đấu ngoài biển khơi. Chúng sẽ không đóng thường trực tại Singapore mà hoạt động tại quốc đảo Đông Nam Á này theo từng dịp khác nhau... Riêng đối với Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ thúc đẩy mối quan hệ đối tác quốc phòng.

    Ông Robert Gates nói: "Mỹ và châu Á sẽ càng trở thành mối quan hệ không thể tách rời trong thế kỷ này. Thực tế trên sẽ giúp giữ vững những cam kết của chúng tôi đối với các đồng minh, trong khi vẫn duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ và tư thế răn đe trên khắp vùng vành đai Thái Bình Dương".

    Chưa hết, trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn nêu lên vấn nạn tội phạm công nghệ cao mà mới đây Mỹ vừa trở thành nạn nhân. Vụ việc bắt đầu khi hãng Google tuyên bố hàng trăm tài khoản gmail của quan chức, sĩ quan quân đội, nhà báo ở nhiều nước, nhất là Mỹ đã bị tấn công. Qua điều tra ban đầu, hãng Google cho rằng, tin tặc được phát hiện đến từ Tế Nam, tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Thế nhưng, Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này. Trong khi đó, Bộ An ninh nội địa Mỹ đang phối hợp với Google để điều tra kỹ hơn về vụ việc.

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt.

    Giới quan sát cho rằng, việc nêu vấn đề tội phạm công nghệ cao trong bài phát biểu cho thấy, Mỹ vừa thể hiện chiều hướng cải thiện quan hệ với Trung Quốc song cũng rất khôn khéo "nắn gân" quốc gia đông dân nhất thế giới này, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang vấp phải phản ứng của nhiều nước trong khu vực xung quanh vấn đề biển Đông. Trên thực tế, trong tối 3-6, khi có cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, ông Robert Gates cũng đã thể hiện sự kỳ vọng của mình vào mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.

    Nhấn mạnh tới chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 1 và các cuộc trao đổi quân sự ở cấp bậc cao khác, cũng như chuyến viếng thăm Trung Quốc dự tính vào tháng tới của Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ là Đô đốc Mike Mullen, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, quan hệ quân sự Mỹ - Trung đang đi theo chiều tích cực. Song Washington vẫn đang điều tra những cáo buộc của Google rằng, tin tặc từ Trung Quốc lấy cắp nhiều mật mã email của các giới chức cao cấp Mỹ. Rõ ràng, phía sau những lời nói thân thiện của hai vị Bộ trưởng Mỹ - Trung Quốc vẫn là sự nghi kỵ và cảnh giác lẫn nhau.

    Phần đông dư luận còn cho rằng, việc Mỹ công khai chính sách quốc phòng ở châu Á cũng là một cách "rung chuông" với Trung Quốc để thể hiện nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nước này trong khu vực. Ngày 5-6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng sẽ có bài phát biểu nhan đề "Sự hợp tác an ninh quốc tế của Trung Quốc", trong đó trình bày chi tiết về chính sách quốc phòng của Trung Quốc cũng như các chính sách và các đề xuất về việc thúc đẩy hợp tác an ninh và đạt được sự hòa hợp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

    Quan điểm của ASEAN

    Có thể nói, chưa bao giờ, Đối thoại Shangri-La lại "nóng" như lần này. Các chủ đề nổi bật tại hội nghị bao gồm cả tranh chấp biên giới Thái Lan - Campuchia, xung đột Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên; quan hệ an ninh Mỹ - Trung và vấn đề biển Đông. Ngay trong bài phát biểu khai mạc, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) John Chipman đã khẳng định: "Các cuộc thảo luận giữa đại diện quốc phòng các nước sẽ là cơ hội quan trọng để giảm căng thẳng và tạo không gian ngoại giao".

    Còn Thủ tướng Malaysia Najib Razak thì tuyên bố, tranh chấp chủ quyền biển Đông là một vấn đề phức tạp và lưu ý: "Chúng ta không được phép để các tranh chấp leo thang qua khuôn khổ ngoại giao. Các bên cần kiên trì tìm giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp". Quan điểm của Malaysia là cam kết ủng hộ một quan điểm chung của ASEAN trong nỗ lực đối thoại với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Ông Najib Razak nói: "Lợi ích quốc gia ngày càng trở thành lợi ích tập thể và nhiệm vụ của chúng ta giờ đây là phản ánh lợi ích này trên quan hệ đa phương. Tôi tin tưởng rằng con đường trước mắt cần phải được xây dựng trên sự hợp tác và không đối đầu, và vì điều này, mọi khu vực, mọi quốc gia, mọi nhà lãnh đạo ở đây hôm nay cần phải đóng góp vai trò của mình".

    Thủ tướng Najib Razak cũng kêu gọi Trung Quốc và Mỹ hợp tác với ASEAN. Quan điểm của nhà lãnh đạo Malaysia cũng như các quốc gia khác trong khu vực là, thay vì lựa chọn, châu Á cần đẩy mạnh hợp tác với Mỹ - siêu cường quân sự của thế giới; và với Trung Quốc - một cường quốc đang lên, nhằm giải quyết các vấn đề an ninh khu vực như chống nạn buôn người, khủng bố, buôn lậu thuốc phiện và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông Najib Razak nói: "Trung Quốc là đối tác của chúng tôi. Mỹ cũng là đối tác của chúng tôi. Ở đây không có chuyện chọn một phía. Chúng ta phải thay đổi chủ nghĩa lưỡng cực của Chiến tranh Lạnh, nhưng không phải bằng một lưỡng cực khác mà bằng chủ nghĩa đa cực. Đó là cách tiến lên phía trước: Đối thoại, gặp gỡ và đồng thuận".

    Tin từ TTXVN cho hay, dư luận quốc tế rất quan tâm đến vụ 3 tàu hải giám của Trung Quốc quấy nhiễu và ngang nhiên của tàu khảo sát Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petro Vietnam khi tàu này đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam và tiếp đó là việc hải quân Trung Quốc dùng súng uy hiếp tàu cá của ngư dân Việt Nam trong khi đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

    Nhiều học giả nước ngoài cũng lên tiếng về vụ việc này. Như Giáo sư Carl Thayer, hiện đang công tác tại Khoa Nhân văn và Xã hội học Trường Đại học New South Wales của Australia, cho rằng: "Hành động cắt dây cáp của Trung Quốc trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm Luật Biển quốc tế và làm cho vùng biển này không còn an toàn như trước. Tàu Việt Nam đang làm việc trong vùng biển đặc quyền kinh tế mà Công ước về Luật Biển quốc tế đã quy định cho họ. Hành động này rõ ràng đã chấm dứt những gì lạc quan nhất mà Trung Quốc và ASEAN đã và đang thương thảo về biển Đông".

    Cùng chung quan điểm trên, Giáo sư Stein Tonnesson thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Oslo (Na Uy) cho rằng vụ việc tàu Bình Minh 02 xảy ra trong khu vực mà chỉ Việt Nam có quyền tuyên bố thuộc thềm lục địa của mình. Giáo sư Peter Dutton thuộc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc (Đại học Hải quân Mỹ) nhấn mạnh, tuyên bố về khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Theo nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải khu vực Iskander Rehman, cách hành xử của Trung Quốc "đã dẫn tới sự căng thẳng không chỉ với tàu Việt Nam mà cả các tàu của Mỹ, Nhật Bản và Philippines".

    Cũng liên quan tới tình hình biển Đông, trả lời phỏng vấn báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào ở biển Đông, ủng hộ Tuyên bố của ASEAN và Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở biển Đông và khuyến khích các bên đạt được bộ quy tắc ứng xử đầy đủ. Người phát ngôn nói, Mỹ ủng hộ tiến trình ngoại giao mang tính cộng tác của tất cả các bên nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải mà không có sự áp đặt.

    Phát biểu với báo giới tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, Tư lệnh Bộ chỉ huy của Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng tại biển Đông, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực bảo đảm các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua đối thoại và không xảy ra xung đột. Năm ngoái, giới chức Mỹ cũng đã nhiều lần đề cập vấn đề tự do lưu thông tại biển Đông và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tuyên bố Washington phản đối hành động ngăn cản các công ty làm ăn ở biển Đông.

    No comments:

    Post a Comment