• News Tech Today
  • Sunday, June 5, 2011

    Việt Nam càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới.

    Dã tâm ấy thời gian qua hoặc là được che đậy một cách khéo léo, hoặc là chưa bị phơi bày do một số bên liên quan còn e ngại ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao nên lặng lẽ giải quyết qua các kênh ngoại giao. Thế nhưng, Việt Nam càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới. Đỉnh điểm là vụ tàu hải giám Trung Quốc trắng trợn xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ngang nhiên cắt cáp thăm dò dầu khí của nước ta ngày 26-5 vừa qua.

    Hành động phá hoại ngang ngược

    Theo thông báo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), ngày 26-5-2011 các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động bình thường của PVN. Tàu hải giám Trung Quốc đã đe dọa tàu địa chấn Bình Minh 02 của PVN, cắt cáp thăm dò địa chấn tại lô 148 Thềm lục địa Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 120 hải lý.

    Lô 148 hoàn toàn nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Vị trí cáp thăm dò bị phía Trung Quốc cắt chỉ cách mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên khoảng 120 hải lý, tức là còn 80 hải lý nữa mới đến ranh giới 200 hải lý thuộc thềm lục địa quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế. Đáng lưu ý là ở khu vực miền Trung vào phía Nam, trong đó có lô 148, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn không chồng lấn với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc. Trong khi đó, địa điểm tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 340 hải lý, vượt ra ngoài phạm vi 200 hải lý cho phép tới 140 hải lý.

    Do đó, việc Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 là xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình. Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Do vậy, tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý là vi phạm trắng trợn công ước này. Phải chăng, với hành động trên, Trung Quốc đã trắng trợn chà đạp lên luật pháp quốc tế để mở rộng phạm vi chủ quyền thềm lục địa thêm hàng trăm hải lý?

    Thậm chí, chiều 31-5, bốn tàu cá Việt Nam đang khai thác cá ngừ đại dương trên vùng cách đảo Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam 15 hải lý về phía Đông Nam đã bị 3 tàu quân sự của Trung Quốc mang số hiệu 989, 27, 28 chạy đến với tốc độ rất nhanh, rồi áp sát, bao vây, dùng súng AK bắn liên tục trong gần 7 phút vào các tàu cá Việt Nam.

    Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc đã quy định rõ: Phạm vi, quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như vùng biển quốc tế. Theo Điều 76 của Công ước, thềm lục địa của quốc gia ven biển có chiều rộng tối thiểu 200 hải lý. Chiều rộng này được bảo đảm tuyệt đối kể cả khi ở trên thực tế rìa ngoài của thềm lục địa của quốc gia ven biển hẹp hơn 200 hải lý.

    Năm 2002, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử Biển Đông (gọi tắt là DOC). Việc Trung Quốc cho tàu vũ trang cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02, phá hoại hoạt động kinh tế bình thường của Việt Nam ngay trong thềm lục địa Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố này. Theo DOC, ASEAN và Trung Quốc đã cam kết không làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông, không sử dụng vũ lực.

    Trong nhiều Tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc, Lãnh đạo cao cấp của ASEAN và Trung Quốc đều tái khẳng định tuân thủ tăng cường nỗ lực để thực hiện toàn diện DOC, tiến tới xây dựng một văn kiện pháp lý cao hơn là Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (Code of Conduct, gọi tắt là COC). Do vậy, xét trên góc độ pháp lý quốc tế hay góc độ chính trị thì việc tàu Trung Quốc xâm phạm trái phép lãnh hải Việt Nam, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 cũng như tấn công các tàu cá Việt Nam là hành động vi phạm nghiêm trọng các điều ước đã ký kết.

    Đoạn cáp bị tàu hải giám Trung Quốc cắt đứt

    Âm mưu độc chiếm biển Đông

    Vì sao Bắc Kinh lại trắng trợn như vậy? Tổng hợp một loạt sự kiện gần đây cho thấy hành động ngang ngược này của Trung Quốc nằm trong cái gọi là chiến lược chung bảo vệ "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, hay nói một cách chính xác là ý đồ chiến lược độc chiếm biển Đông. Từ sau vụ va chạm với tàu khảo sát Impeccable của Mỹ ngày 8-3-2009 và gửi Công hàm đến Liên Hợp quốc ngày 7-5-2009 lần đầu tiên lưu hành bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò) yêu sách 80% diện tích biển Đông, Bắc Kinh ngày càng trắng trợn trong việc thực hiện ý đồ ngang ngược này, phản đối mọi sự hiện diện của nước ngoài cũng như những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trong biển Đông. Trung Quốc đã đi từ chính sách "giấu mình chờ thời" sang đòi hỏi "lợi ích cốt lõi" rồi "quyết đoán nhưng không đối đầu", hô hào "giải quyết song phương" trong khi lại cho tàu xuống biển Đông gây sức ép.

    Biển Đông chưa bao giờ và không khi nào nằm ngoài tính toán chiến lược của Bắc Kinh. Liệu có phải vô tình khi các hoạt động của Trung Quốc gần đây đều được tiến hành trên đường ranh giới mập mờ của đường lưỡi bò. Xâu chuỗi các sự kiện Trung Quốc quấy nhiễu tàu và máy bay của Philippine tại Bãi Cỏ rong trong tháng 3-5-2011, cản trở tàu Bình Minh 02 của Việt Nam ngày 26-5 và việc Trung Quốc đang đàm phán với Indonesia để phối hợp tuần tra chung ở vùng biển cách xa bờ biển Trung Quốc hàng nghìn km. Thật dễ thấy các hoạt động này đều nằm trong âm mưu tranh chấp tài nguyên ở Biển Đông, theo phương châm "khai thác biển xa trước, biển gần sau, nơi tranh chấp trước nơi không tranh chấp sau".

    Tàu hải giám Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của Việt Nam

    Thế giới lên tiếng

    Ngày 26-5, Thạc sĩ Iskander Rehman cho rằng, sự kiện này dường như khá nhất quán với cách ứng xử gần đây của Trung Quốc tại các vùng biển Đông. Theo đó, Bắc Kinh thường sử dụng cả hai biện pháp là cưỡng ép về ngoại giao và hoạt động quân sự mạnh mẽ để khẳng định chủ quyền. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học Viện Quốc phòng Australia lại nhận định, vụ việc này thể hiện sự leo thang của Trung Quốc trong hành động gây hấn với Việt Nam. "Trung Quốc đã xác định một cách trơ trẽn chủ quyền của họ bằng những hành động như vậy và họ có ưu thế về đội tàu để thực hiện điều đó".

    Qua hành động xâm phạm hải phận Việt Nam và cắt đứt dây cáp của tàu Việt Nam, có lẽ Trung Quốc muốn "nắn gân" để xem phản ứng của Việt Nam như thế nào? Tuy nhiên, mục đích cũng có thể là gây tâm trạng bất an cho các nhà đầu tư nước ngoài đang hoặc có ý định hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở biển Đông.

    Hãng tin Pháp AFP cũng bình luận như sau: "Những hành động táo tợn ngày một gia tăng của Trung Quốc tại biển Đông đã và đang làm dấy lên căng thẳng với các quốc gia khác trong khu vực". Theo nhận định của cả hãng tin Reuters và AFP, vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc với tàu Việt Nam càng khiến cho các nước láng giềng Đông Nam Á thêm lo ngại về thái độ ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trong âm mưu độc chiếm biển Đông.

    Vụ này xảy ra chỉ một tuần sau khi Trung Quốc và Philíppin cam kết "hành xử có trách nhiệm" tại những vùng biển tranh chấp và tìm một giải pháp hòa bình cho các đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông. Sau chuyến thăm Manila của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Tổng thống Philippine Benigno Aquino đã cảnh báo những vụ xâm nhập và đụng độ ở các vùng tranh chấp trên biển Đông có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

    Dù vì bất kỳ lý do gì đi chăng nữa, thì việc Trung Quốc trắng trợn xâm phạm lãnh hải cắt cáp thăm dò và tấn công tàu cá Việt Nam là hoàn toàn không có lợi cho quan hệ hữu nghị và hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, không phù hợp với nỗ lực thúc đẩy thực hiện toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, và cũng không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông và khu vực. Tóm lại những hành động của Trung Quốc vừa qua đang thể hiện hình ảnh của kẻ "miệng na mô bụng một bồ dao găm".

    No comments:

    Post a Comment